Thuận Nguyễn: Hãnh diện là một fashionisto U70 hiếm hoi tại Việt Nam và trên thế giới

“Giờ đây, ở tuổi 70, tôi muốn người ta nhớ tới mình là một ông già lịch lãm. Dù có thử nghiệm trang phục như thế nào – suit hay không suit – thì vẫn phải là một ông già lịch lãm.”

Người ta nói “30 is the new 20″, “40 is the new 30″, chứ ít ai nói “70 is the new…”. Vậy mà Thuận Nguyễn ở đây để chứng minh mọi giới hạn về tuổi tác đều chỉ là tưởng tượng. Ở độ tuổi 60-70, anh bắt đầu viết cho mình một chương mới – sống cho bản thân, làm điều mình thích, và làm đẹp cho đời.

3 từ mô tả phong cách nhìn vào là biết Thuận Nguyễn.

Luôn luôn là tối giản – lịch lãm – phong độ. 3 yếu tố đó luôn phải đi chung với nhau, thiếu một trong 3 là không được.

Cơ duyên nào dẫn anh đến với thời trang?

Tầm 10 tuổi tôi đã bắt đầu đam mê thời trang. Nhưng cuộc sống tại Pháp không hề dễ dàng, lớn lên một chút, tôi đã phải đi làm để nuôi sống gia đình. Từ thợ sửa máy bay, sửa ô tô, rồi kế toán…

Nhưng cuộc sống mưu sinh đó vẫn không khiến tôi quên đi đam mê thời trang. Mỗi tuần, tôi cho phép mình được dành những ngày cuối tuần để mặc đẹp – không phải cho ai xem, mà đơn giản chỉ là để được cảm thấy là chính mình.

Anh có phải là tuýp người đã thử qua nhiều phong cách để tìm ra phong cách phù hợp với bản thân?

Thú thật, là một người yêu thời trang nhưng không được đào tạo qua trường lớp bài bản, thời trang với tôi là một thứ bản năng, là một phần trong DNA của mình. Ở độ tuổi này, tôi đã quan sát nhiều đủ để kết luận thời trang là một vòng lặp. Những thứ giới trẻ đang mang bây giờ là thứ tôi đã mang ở thập niên 70s. Chính vì vậy mà tôi cũng biết xu hướng nào chóng đến chóng đi, và cuối cùng thì chỉ có những thứ tối giản, lịch lãm, và cổ điển là trường tồn mãi.

Giờ đây, ở tuổi 70, tôi muốn người ta nhớ tới mình là một ông già lịch lãm. Dù có thử nghiệm trang phục như thế nào – suit hay không suit – thì vẫn phải là một ông già lịch lãm.

Phụ kiện bất ly thân của anh là gì?

Tôi nghĩ mình không thể sống thiếu cặp mắt kính được. Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lúc nào cũng mang kính, chỉ trừ lúc đi ngủ. Đơn giản vì tôi thấy tự tin hơn khi mang kính ra đường, chụp hình, đóng phim… Vả lại, chiếc kính này không chỉ là kính râm, mà còn có thể xem phim, đọc sách.

Anh có nghĩ mình can đảm khi về định cư tại Việt Nam ở độ tuổi 60?

Tôi không biết điều gì đã thúc đẩy mình, tôi chỉ đơn giản là biết mình muốn về. Ở tuổi 60, tôi nghĩ mình vẫn là người thích làm những thử thách “điên rồ”. Về Việt Nam cũng không phải là quyết định một sớm một chiều, tôi đã mất 3 năm để suy nghĩ về nó. Ở thời điểm đó, tôi đã về hưu, sống độc thân được gần 20 năm, bố mẹ không còn nữa, các con đều đã trưởng thành và thành đạt. Không còn gì vướng bận, sao không thử một chuyến? Nếu không hợp thì lại về Pháp. Có mất mát gì đâu.

Và bạn thấy đấy, đã 8 năm trôi qua kể từ ngày tôi về Việt Nam, và tôi vẫn ở đây. Mỗi ngày thức dậy tôi đều cảm thấy quyết định trở về là đúng đắn, tôi thấy mình may mắn vì có thể theo đuổi đam mê ở tuổi 60, 70.

Cơ hội hoạt động trong ngành thời trang tại Việt Nam đến với anh như thế nào?

Ngày còn ở Pháp, mỗi lần các nghệ sĩ Việt sang chơi, tôi thường dẫn họ đi mua sắm. Khi về Việt Nam, tôi giúp một số bạn bè nghệ sĩ định hình phong cách. Thế là từ chỗ yêu thời trang, thích mặc đẹp, tôi trở thành stylist cho các nghệ sĩ. Một vài nhà báo biết được điều này, thấy hình ảnh một ông già 60, 70 tuổi có gu khá mới lạ nên khai thác, tôi đã “vô tình” nổi tiếng như thế. Từ bước đệm đó, tôi có thêm cơ hội để được thử sức với nhiều vai trò khác nhau, từ fashionisto, stylist, người mẫu, diễn viên,… Thỉnh thoảng, bạn bè còn ngỏ lời mời tôi trang trí nhà cửa cho họ.

Trong số những vai trò kể trên, anh thích vai trò nào nhất?

Đó là lúc được sải bước trên sàn catwalk, đặc biệt là trong vị trí vedette.

Thuận Nguyễn cùng mẫu cặp da 1002 cao cấp của Mandino

Có bao giờ anh nghĩ tuổi tác là rào cản của mình không?

Không hề! Trên thế giới chỉ có vài ông fashionisto trạc tuổi tôi, mà ông lớn nhất cũng chỉ U60, có mình tôi là U70 thôi. Thử nghĩ nếu có người bảo là ở Việt Nam có ông fashionisto này lớn tuổi mà không hề thua kém ai, thì phải hãnh diện chứ!

Ngoài ra, tôi cũng tâm niệm thế này: Cứ làm việc trong âm thầm, nếu mình có tài, thì không cần phải chứng minh hay nói với ai. Tuổi tác không phải là giới hạn.

Những bài học lớn mà anh rút ra được trong cuộc đời mình là gì?

Bài học đầu tiên chính là sống tự tin. Tự tin vì mỗi người có một giá trị riêng, không cần phải so sánh giữa người với người. Tự tin, đối với tôi, là một sự chinh phục vĩ đại. Tuy vậy, cũng cần phải khiêm tốn. Bất kể mình là ai, quyền cao chức trọng thế nào, thì vẫn phải biết đối nhân xử thế cho đúng mực.

Bài học tiếp theo là: “nhận thì chưa chắc hạnh phúc, nhưng cho đi thì lúc nào cũng hạnh phúc”. Nếu bản thân có thể làm gì để người khác hạnh phúc, dù nhỏ thôi, thì hãy cứ làm.

Ở tuổi 70, với anh, điều gì là quan trọng nhất?

Đơn giản lắm, duy trì được phong độ, có đủ sức khoẻ và sống lâu thật lâu, để tiếp tục được khoác lên những bộ trang phục mà mình thích (cười). Tuổi này mà không sống để làm mình hạnh phúc thì còn đợi đến bao giờ nữa? Mình hạnh phúc trước đã thì mới làm mọi người xung quanh hạnh phúc được.

Túi du lịch đẹp tại Mandino

Vậy làm thế nào để duy trì phong độ đó?

Ở tuổi này tôi không làm để mưu sinh nữa, tôi làm vì đam mê, mà một khi đã làm vì đam mê thì có mệt mỏi bao nhiêu cũng quên hết. Ngoài ra, rèn luyện thể chất cũng quan trọng lắm. Tôi thấy các bạn trẻ ngày nay dành hết sức trẻ để kiếm tiền mà đánh mất sự cân bằng. Đừng!

Ngoài thời trang, anh còn có những sở thích nào khác?

Mỗi tháng tôi sẽ dành ra vài ngày đi đổi gió. Tôi thích đến những vùng biển đầy nắng, càng yên tĩnh càng tốt. Ở Sài Gòn, tôi cũng thích thay đổi, thích di chuyển. Mỗi sáng sớm, tôi thường thích ngồi ở góc đường Đồng Khởi này trò chuyện cùng bạn bè, ngắm người qua lại, sau đó mới bắt đầu lịch trình của mình. Mỗi ngày chỉ cần như vậy là đủ.

Cuối cùng, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ cũng đam mê thời trang như anh?

Muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần phải đam mê. Nhưng thế thôi chưa đủ. Hãy xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức tốt thì mới đi đường dài được. Ở nhà, con trai và con gái tôi cũng là người học thời trang, làm thời trang. Và chúng tôi không ngừng trò chuyện với nhau về niềm đam mê này!

Tác gia: Lê Lang Vietcetera